Đăng Ký Học
Ngày 06/06/2021 15:58:11, lượt xem: 29121
ĐỀ BÀI: Pu-skin đã từng nói rằng: “Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để thơ ca bén rễ sinh sôi”. Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua đoạn thơ:
“Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ càn trong xe có một trái tim.”
BÀI LÀM
“Anh đi qua trái đất để lại chừng thơ ấy
Hãy thương anh! Anh nào có chi nhiều
Một chút nắng tàn, một dòng nước chảy
Trái tim nghèo, nhưng cũng đã tin yêu.”
Nếu người hoạ sĩ cầm cây cọ dùng đường nét và màu sắc để phác hoạ lên bức tranh hiện thực về cuộc sống, ca sĩ dùng thanh âm trong trẻo của mình để làm đẹp cho đời bằng những tiếng ca thì thi sĩ lại dùng ngòi bút của mình để tô điểm cho cuộc đời. Vì thế mà hiện thực đời sống luôn là nguồn cảm hứng vô tận sáng tạo nên văn chương. Như Pu-skin đã từng nói: “Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để thơ ca bén rễ sinh sôi”. Nhìn vào những trang thơ thấm đẫm tính lịch sử của giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, ta mới thấy thấm thía câu nói của Pu-skin đến nhường nào. Và phải chăng, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã”bén rễ sinh sôi” qua thi phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” mà đoạn thơ tiêu biểu làm nên thành công của tác phẩm là khổ thơ cuối cùng của bài:
“Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”.
Lời nhận định của Pu-skin khiến người ta đọc một lần rồi nhớ mãi trong tim bởi cách định nghĩa mới mẻ của nhà văn về cuộc sống. Cuộc sống không chỉ là những gì đang diễn ra xung quanh ta, là hỉ nộ ái ố mà dưới góc nhìn của đại thi hào người Nga, nó đã có phần bay bổng và lãng mạn hơn khi là “cánh đồng màu mỡ để cho thơ bén rễ sinh sôi”. Cuộc sống muôn màu vạn trạng chính là mảnh đất tươi tốt để sáng tạo nghệ thuật. Không ở đâu, không ở nơi nào khác mà chính cuộc sống này là cơ sở để sáng tạo văn chương, thơ ca. “Thơ phản ánh đời sống con người trên toàn diện sinh động của nó từ mặt tầng (hành động) tới đáy tầng (tâm linh) qua hết mọi phương diện xã hội”.Có lẽ vì thế mà thơ là cuộc hôn phối giữu vũ trụ và con người. Nhưng bạn có từng thắc mắc tại sao “Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để cho thơ bén rễ và sinh sôi” ? Đặc điểm của văn học là phản ánh hiện thực cho nên các tác phẩm văn học bao giờ cũng lấy hiện thực làm trung tâm để phản ánh. Hiện thực cuộc sống ấy muôn màu muôn vẻ, luôn có những ngóc ngách mà ta chưa khám phá hết. Đó chính là nơi để tác giả lách ngòi bút của mình đem đến cho người đọc những cái nhìn mới mẻ.
Quay trở lại quá khứ, đi sâu tìm hiểu những trang thơ của Phạm Tiến Duật, ta như sống lại thời kì lịch sử hào hùng của dân tộc. Với giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, tinh nghịch nhưng cũng rất sâu sắc, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” đã khắc hoạ hình ảnh những người lính lái xe Trường Sơn trong thời chống Mỹ cùng tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan, dũng cảm, bất chấp khó khăn nguy hiểm vì ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phải nói rằng ngòi bút của nhà thơ Phạm Tiến Duật thật uyển chuyển và khéo léo khi khắc hoạ thành công hiện thực cuộc sống nơi chiến trường gian khổ mà ta có thể cảm nhận sâu sắc nhất là hình ảnh những chiếc xe không kính di chuyển từ Bắc vào Nam trên tuyến đường Trường Sơn bỏng cháy:
“Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”
Chỉ với 4 dòng thơ vỏn vẹn 32 chữ nhưng khổ thơ như một thước phim tái hiện lại một cách chân thật, rõ nét nhất về những khó khăn trong những ngày kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hai câu thơ đầu của khổ thơ đã nói lên sự thiếu thốn của những chiếc xe bon bon chạy trên tuyến đường Trường Sơn rực lửa. Điệp ngữ “Không có” kết hợp với biện pháp liệt kê “kính”, “đèn”, “mui xe”, “xước” đã nhấn mạnh sự thiếu thốn của những “chiến mã”. ́y vậy mà điều kì diệu vẫn xảy ra, mặc cho thiếu thốn đủ thứ nhưng những chiếc xe vẫn chạy, vẫn băng ra tiền tuyến. Điệp ngữ “không có” nhắc lại ba lần như muốn nhân lên nhiều lần thử thách khốc liệt. Hai dòng thơ nhưng lại ngắt thành bốn khúc như những chặng đuờng gập ghềnh, khúc khuỷu đầy chông gai, bom đạn trực chờ giải xuống bất cứ lúc nào.Trong bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng”, hình ảnh những chiếc xe lại được một lần nữa được khắc hoạ giống như bức tranh được vẽ trong thơ ca của Phạm Tiến Duật:
“Xe ta bon trên những dặm đường
Giữa làng quê ta băng bao suối đèo, đồi nương
Mà xe ta bon ra chiến trường”.
Hoà chung với không khí đồng lòng đoàn kết quyết tâm giải phóng miền Nam ruột thịt, những chiếc xe như những người bạn không quản ngại ngày đêm mệt mỏi góp sức mình làm nên chiến thắng của đất nước.
Những chiếc xe như những người lính kiên cường vượt lên trên bom đạn, hăm hở lao ra tiền tuyến cùng với những chiến sĩ bởi có một thứ tình cảm thiêng liêng tốt đẹp được cất giấu trong lòng mỗi anh:
“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.”
Hai câu thơ đã khắc đậm hình ảnh đẹp đẽ của người lính lái xe trên đường Trường Sơn. Dù mọi thứ trong xe không còn nhưng chỉ cần vẹn nguyên một trái tim thì xe vẫn chạy. Đó không chỉ là sự ngoan cường, dũng cảm vượt lên tren mọi gian khổ mà còn tượng trưng cho tình yêu nước cao cả của các anh. Bom đạn quân thù có thể làm biến dạng những chiếc xe nhưng sẽ chẳng bao giờ làm giảm đi tinh thần, ý chí chiến đấu của những người chiến sĩ lái xe. Xe không chỉ chạy bởi động cơ máy móc mà còn chạy bởi động cơ tinh thần “vì miền Nam phía trước”, vì cuộc chiến đấu giành độc lập thống nhất đất nước đang vẫy gọi. “Trái tim” đặt ở cuối bài thơ là một hình ảnh hoán dụ tuyệt đẹp. Trái tim là hình ảnh hội tụ vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất của người chiến sĩ lái xe. Trái tim nồng cháy một lẽ sống cao đẹp, chứa đựng bản lĩnh hiên ngang, lòng dũng cảm nhưng cũng mang đậm tinh thần lạc quan và niềm tin mãnh liệt vào ngày đất nước thống nhất. Hình ảnh này kết hợp cùng với kết cấu vẫn...chỉ cần” đã cho thấy thực chất người cầm lái phải chăng chính là trái tim. Chính tình yêu tổ quốc, yêu thương đồng bào đã động viên, khích lệ người chiến sĩ vận tải vượt qua tất cả những thử thách gian nan, luôn vững tinh thần, chắc tay lái để đưa đoàn xe khẩn trương về đích.
Có sống trong thời kì mưa bom bão đạn trút xuống đều đều hằng ngày ấy, ta mới thấm đẫm những gian khổ nhọc nhằn mà cha ông ta đã trải qua. Đúng như lời nhận định: “Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để cho câu thơ bén rễ sinh sôi”, Phạm Tiến Duật đã dùng ngay hiện thực khó khăn một thời lịch sử để làm nguyên liệu đưa vào món ăn của mình. Khổ thơ cuối cũng như cả bài thơ đã khắc hoạ hiện thực thời chiến tranh chống đế quốc Mỹ một cách chân thực và sống động nhất. Đúng như nhà thơ Đỗ Trung Lai đã nận xét: “Sáng tác của Phạm Tiến Duật là “Một góc bảo tàng tươi sống về Trường Sơn thòi chống Mỹ”. Qua đó, tác giả cũng ca ngợi những con người dù gặp khó khăn hoạn nạn nhưng vẫn kiên cường, một lòng tiến về phía trước.
Một khổ thơ nhưng đọng lại trong tâm trí mỗi người những cảm xúc khó có thể nào quên được. Chỉ với ba mươi hai chữ cùng với phép liệt kê, điệp cấu trúc, hình ảnh hoán dụ nhưng tác giả đã vẽ nên một khung cảnh những chiếc xe thiếu thốn đủ điều vẫn hăng say chạy trên tuyến đường rực lửa cùng những người lính cụ Hồ có một trái tim yêu nước và niềm tin vì một ngày mai độc lập. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” đã giúp bạn đọc có cái nhìn cụ thể hơn về người lính để ta thêm yêu hơn, kính nể hơn những con người đã làm nên đất nước yên bình như ngày hôm nay.
“Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để thơ ca bén rễ sinh sôi” như một câu nhận định còn sống mãi với thời gian bởi không có tác phẩm nào mà không xuất phát từ cuộc sống. Văn chương, thơ ca cho dù có hay đến đâu cũng đều lấy chất liệu từ hiện thực đời sống của con người. Vì vậy, nếu văn học là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội (Stendhal) thì nhà văn chính là thư ký của thời đại (Balzac).
Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA VĂN VIP 2K7 – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.
Youtube Học Văn Chị Hiên.
Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn Chị Hiên.
Tin liên quan